Monday, December 9, 2013

Sự trở về kỳ diệu của người đàn ông mất tích 16 năm

Ngày 9/12 Hay tin ông Thảo trở về, dân làng tạm gác công việc đồng áng cùng nhau ra đầu xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải mừng đón người con quê hương sau 16 năm mất tích trở về. Trước đó, đang hái cà phê thuê ở tận Đăk Lăk, bà Lê Thị Thơm tất tả đón xe đò về Quảng Ngãi chờ đợi giây phút đoàn tụ mà khó có thể tin chồng mình còn sống sót về với vợ con.

Bà Thơm còn nhớ như in gần 20 năm trước, vì hoàn cảnh khó nghèo, ông Thảo quyết định rời nhà vào đảo Phú Quốc hành nghề đánh cá thuê. "Lúc đó hai vợ chồng đều 35 tuổi đã có 4 con (đứa lớn nhất 8 tuổi, nhỏ nhất vừa tròn 1 tuổi), ổng bảo rằng làm lụng bao giờ có tiền dư giả mới về quê đoàn tụ gia đình. Ấy vậy mà đằng đẵng ngần ấy năm ổng đi biệt tăm", bà Thơm nói.

Sau khoảng 3 năm chồng đi, năm 1997, cơn bão số 5 quét qua đảo Phú Quốc, bà Thơm sững sờ khi người đi biển cùng ông Thảo báo hung tin chồng bà bị rơi xuống biển, mất tích. Sau đó, gia đình làm "mộ gió" (mộ không hài cốt) rồi lập bàn thờ, bà cùng 4 con thơ dại đeo khăn tang. Không biết lấy ngày nào làm giỗ, hàng năm bà Thơm chọn ngày lễ thanh minh của dòng họ làm mâm cơm cầu mong linh hồn chồng siêu thoát.

Ngồi bên con trai hao gầy sau nhiều năm xa cách, bà Dương Thị Bông (82 tuổi, mẹ ông Thảo) run rẩy đưa đôi bàn tay xanh xao hết sờ lên đầu, vai rồi gài cúc áo cho con mà rưng rưng nước mắt. "Nó đi biền biệt bao nhiêu năm thì nỗi nhớ của tôi chất chồng theo bấy nhiêu. Giờ thấy nó trở về mà mừng không gì tả xiết", bà Bông bộc bạch.

Nhớ về quãng đời phiêu bạt của mình, ông Thảo kể, lúc ấy nghe bạn chài kháo nhau ở đảo Phú Quốc cá thu và mực nhiều vô kể nên quyết định rời quê ôm giấc mộng đổi đời. Sau trận bão số 5 năm 1997, nhiều tàu bị chìm, thiệt hại nặng, ông Thảo theo một tàu cá sang Campuchia rồi lênh đênh sang Thái Lan đánh bắt. Thuở ấy, cả thôn không nhà nào có điện thoại, lại suốt ngày lênh đênh trên biển nên ông không có cách nào nhắn tin cho vợ con, còn những người bạn chài cùng làng tưởng ông đã chết nên báo tin với gia đình.

Đến cuối năm 2011, ông bị cảnh sát bắt giữ 3 năm (do không giấy tờ tùy thân) trong lúc vào cảng bán cá. Cuối tháng 11 vừa qua, Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi gửi công văn về yêu cầu chính quyền địa phương xã Bình Hải xác minh trường hợp ngư dân là Tiêu Viết Thảo đang ở trại giam Cục nhập cư Thái Lan và thông báo gia đình chuẩn bị đón ông trở về ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Giữa đầu tháng 12, phía Thái Lan trao trả ông Thảo cùng 10 ngư dân cho Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đưa về nước đoàn tụ gia đình.

"Suốt từng ấy năm cuộc sống của tôi lênh đênh theo các tàu cá, ít khi lên bờ. Tưởng chuyến tàu cập vào cảng ở Thái Lan hồi năm 2011 sẽ được chia kha khá tiền, tôi sẽ về. Nhưng không ngờ bị bắt giữ", ông Thảo kể.

Trở về sau nhiều năm lang bạt, ông ngạc nhiên khi làng quê nghèo năm xưa giờ trở nên khang trang ở ngay trung tâm Khu kinh tế Dung Quất. Ngôi nhà tranh vách đất lụp xụp trước đây giờ được xây vững chãi. "Từng hứa với vợ bao giờ làm ăn có thật nhiều tiền mới về quê. Giờ trở về với bàn tay trắng thế này thấy có lỗi với vợ con, hổ thẹn với bà con xóm giềng quá. Dù đã muộn nhưng tôi quyết tâm làm lại từ đầu để bù đắp phần nào cơ cực cho vợ con suốt những năm dài xa cách", ông Thảo cho hay.

Theo hồ sơ xác minh của chính quyền địa phương xã Bình Hải, từ năm 1959 đến 1979, ông Thảo lớn lên, hành nghề đánh bắt cá tại quê nhà. Ngày 17/4/1979, ông Thảo nhập ngũ và là bộ đội tình nguyện tại chiến trường Campuchia.

Đơn vị của ông là Sư đoàn 315, Trung đoàn 733, Đại đội 14, phụ trách hỏa lực 12,7 ly. Ông Thảo xuất ngũ trở về địa phương ngày 20/10/1984. Từ đó đến năm 1994, ông tiếp tục hành nghề đánh bắt thủy sản ở vùng biển Quảng Ngãi. Sau đó vì cuộc sống khốn khó đã rời quê vào đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hành nghề đánh cá thuê rồi biệt tích mãi đến nay.

Trao đổi với VnExpress, ông Võ Minh Quân, Trưởng công an xã Bình Hải xác nhận, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Campuchia trở về, ông Thảo làm ăn lương thiện ở quê nhà. Do cuộc sống khó nghèo, ông rời quê vào đảo Phú Quốc đánh bắt thủy sản thuê rồi biệt tích đến nay. Nhiều lần công an tỉnh về địa phương phối hợp xác minh lý lịch đều khẳng định ông Thảo mất tích trong quá trình mưu sinh trên biển chứ không liên quan gì đến vi phạm pháp luật mà bỏ trốn ra nước ngoài.

"Chúng tôi sẽ sớm làm thủ tục bổ sung tên tuổi của ông vào sổ hộ khẩu gia đình, đề nghị cơ quan chức năng cấp mới chứng minh nhân dân, giải quyết chế độ chính sách từng tham gia bộ đội ở chiến trường Campuchia và tạo điều kiện việc làm nhằm sớm ổn định cuộc sống cho ông", ông Quân nói.

(nguồn : vnexpress)


EmoticonEmoticon